Cấu tạo K’ny

Thân đàn K’ny là một ống nứa nhỏ hay một cành gỗ tròn, thẳng, dài khoảng 50 đến 70 cm và có đường kính từ 2 đến 3 cm. Phần trên thân ống có một lỗ để cắm trục gỗ xuyên qua mắc dây đàn. Phần dưới thân ống có một miếng gỗ khoảng 1 cm, gắn bằng sáp ong để làm ngựa đàn. Đàn K’ny chỉ có dây mắc vào trục và mấu gỗ dưới gốc đàn. Ngày xưa người ta dùng dây đàn bằng dây móc hay xơ dứa se, ngày nay dùng dây kim loại tách từ phanh xe đạp.

K’ny không có bộ dây tăng âm, tiếng đàn phát ra là do dây rung. Cung vĩ là một mảnh nứa cạ vào dây, làm dây rung lên phát ra âm thanh. Trên thân đàn k’ny nguyên thủy có 4 núm bằng sáp ong là 4 phím đàn. Về sau người ta cải tiến nhạc cụ này gắn nhiều phím hơn và thêm 1 dây đàn nữa.

K’ny có âm sắc giống tiếng mèo kêu. Muốn có âm trầm người ta phải kết hợp tay bấm và vòm hàm mở ra (âm "o" hoặc âm "a"). Muốn có âm cao vòm hàm phải khép lại (âm "e") và tay bấm phải chạy xuống dưới.[1] K’ny có âm thanh rất nhỏ, âm vực hẹp trong vòng 1 quãng bốn hoặc quãng năm. Tuy nhiên, ta có thể tạo âm nguyên hoặc nửa âm trên một dây đàn.

Để khuếch đại âm thanh người ta dùng một dây tơ, dây dù hoặc dây cước nylon, buộc một đầu sợi dây này thật chặt vào dây đàn, đầu kia buột vào một mảnh mo măng tre hình tròn (hoặc mảnh nhôm hay nhựa PVC). Người chơi phải ngậm mảnh hình tròn này trong miệng, làm sao phải giữ cho dây tơ căng và mặt trong của mảnh tròn này sát với 2 hàm răng. Khi kéo đàn dây sẽ rung lên, chuyển chấn động sang dây tơ rồi đến mảnh mo măng tre và vang trong khoang miệng của người kéo đàn. Người chơi phải thay đổi khẩu hình để có âm thanh khác nhau, giống như tiếng mèo kêu ngoao ngoao.